- Trang chủ
- Trong Bóng Tối
- Chương 59: Họa bì (1)
Tác giả: Kim Thập Tứ Thoa (Vi Nặc Lạp)
Chuyện Lý Quốc Xương bị giết đã rõ ràng, nhưng tính thật giả của bức “Lạc Thần Phú Đồ” vẫn chưa có kết luận, Đường Tiểu Mạt có thể chỉ ra nơi có vết trà trên tấm lụa mà cô nàng đã làm văng lên khi còn nhỏ, nhưng lại không có tác dụng gì, lụa ngàn năm tuổi được lưu truyền đến ngày nay, trên mặt lụa có dính vài vết bẩn cũng là chuyện rất bình thường.
Khi “Lạc Thần Phú Đồ” của Lý Quốc Xương vẫn còn ở Mỹ, đã có nhiều ý kiến trái chiều về tính thật giả của nó, một số chuyên gia cho rằng đó là bút tích gốc của Cố Khải Chi, có người lại nói đây là bản sao của triều đại sau này, nếu muốn tìm mọi cách để biết được thật hay giả thì có lẽ Đường Triệu Trung đã chết ở nơi giam giữ từ đời nào.
Việc giải cứu con tin phải tranh thủ từng giây từng phút, vậy nên Thẩm Lưu Phi không để cục thành phố tìm chuyên gia giám định mà chính y sẽ là người bóc lõi tranh.
Lụa trải qua ngàn năm vô cùng mong manh, dù có là tranh giả thì lụa cũng đã được cố tình làm mỏng và làm cũ, vậy nên lõi của bức tranh này cũ đến mức làm người ta phát sợ. Bóc lõi tranh ra khỏi lớp giấy bồi, nặng tay hơn một chút thôi cũng có thể làm hỏng mặt lụa. Nói cách khác, lần này nếu là tranh thật, Thẩm Lưu Phi sẽ phải đền bù hàng tỷ đồng.
Địa điểm bóc lõi tranh được cố ý lựa chọn trong phòng phục hồi di vật văn hóa của bảo tàng thành phố, sẽ có hai nhà phục chế tranh thư pháp và tranh vẽ cổ hợp tác bóc lõi tranh cùng y. Đối diện với ống kính máy quay, Thẩm Lưu Phi không có bất cứ biểu cảm gì, bình thản ung dung nhưng có thể nhìn ra được y rất cẩn thận. Hơi thở không gấp, tay không hề run nhưng hàng mi dài vẫn luôn rung động tựa như cánh bướm phấp phới, trên thái dương còn có mồ hôi rỉ ra.
Tạ Lam Sơn đứng bên cạnh lo lắng hỏi: “Hầy, anh họ Thẩm, anh có vài tỷ để đền không?”
“Không.” Ánh mắt Thẩm Lưu Phi cực kỳ tập trung, không hề bị quấy rầy, “Vậy nên cậu có thể im miệng hay không.”
Đầu tiên nhúng cọ lông dê vào nước sạch để loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt lụa, sau đó dán một lớp giấy dầu nước đặc biệt lên trên bức hình để đảm bảo rằng lớp lụa mỏng sẽ không bị biến dạng hoặc hư hỏng. Thẩm Lưu Phi và hai chuyên gia phục chế tranh cổ hợp tác cùng nhau để bóc phần lõi tranh xuống một cách vừa cẩn thận vừa hăng hái.
Mọi người trong phòng đều căng thẳng tới mức không dám hít thở mạnh.
Sau khi “Lạc Thần Phú Đồ” bị tách làm hai, quả nhiên còn có một bức tranh trên lớp giấy bồi vốn bị dính chặt bằng hồ dán, đây hẳn là khung cảnh nhìn ra từ ngoài cửa sổ nơi ông ta bị giam giữ, bên trên có một dòng viết theo thể chữ Khải cực nhỏ: “Kẻ thù ép tôi, “Lạc Thần Phú Đồ”, giam tôi nơi này, cầu người giải cứu.”
Ông cụ Đường say mê thư họa cổ suốt cả đời, ngay cả câu chữ cầu cứu cũng viết đầy nho nhã, Đường Tiểu Mạt lập tức nhận ra: “Đây là chữ của ông nội tôi!”
Đào Long Dược tấm tắc: “Từng gặp bao nhiêu vụ rải giấy cầu cứu khi bị lừa vào tổ chức bán hàng đa cấp rồi, đây là lần đầu tôi thấy vẽ tranh cầu cứu kẹp trong quốc bảo truyền kỳ đấy.”
Đương nhiên bút tích của Đường Triệu Trung đã để lại ở giữa hai lớp tranh thì đây chẳng còn là quốc bảo trong truyền thuyết nữa, nhưng Thẩm Lưu Phi vẫn thở phào nhẹ nhõm, có thể nói khoảnh khắc bóc lõi tranh ra thật sự làm lòng người chấn động.
Người lớn tuổi hơn trong hai chuyên gia phục chế là một ông cụ tóc đã bạc, ông ta khen Thẩm Lưu Phi chuyên nghiệp và thận trọng, còn nói: “Việc phục hồi các bức tranh cổ là một công việc đòi hỏi sự khéo léo, tôi thấy thầy Thẩm chắc chắn không phải dân nghiệp dư!”
Thẩm Lưu Phi khiêm tốn cúi người với ông, y bình tĩnh nói: “Tôi đã may mắn gặp thầy Từ Lâm, người đã phục chế bức ‘Thanh Minh Thượng Hà Đồ’ vào mười năm trước, có nghe ông ấy hướng dẫn chút ít.”
“Mười năm trước? Năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi?” Ông cụ chuyên gia kinh ngạc, người này rõ ràng trông chỉ như một sinh viên hai mươi tuổi chứ mấy.
Thẩm Lưu Phi nói năm sinh khiến ông cụ chuyên gia phải thốt lên. Lúc này Tạ Lam Sơn mới thật sự buông lỏng, anh đứng một bên nhìn chằm chằm người kia. Thầy Thẩm có diện mạo quá trẻ trung xinh đẹp, hình xăm kín nửa người còn mang dáng vẻ không mấy đoan chính, nhưng khi y tập trung làm việc gì đó, thứ khí chất độc đáo, tĩnh lặng như đã trải qua năm tháng lại toát ra. Tạ Lam Sơn thẳng tưng suốt ba chục năm, một mực giữ vững niềm tin “chọn một người bầu bạn đến bạc đầu”, cô gái duy nhất anh từng rung động vẫn là Tống Kỳ Liên, anh chưa từng nghĩ tới một khả năng nào khác.
Lúc này anh lại suy nghĩ vô cùng nghiêm túc, thế rồi ánh lửa lóe lên, suy nghĩ thông tỏ, anh cảm thấy, có thể.
Thẩm Lưu Phi quay lại nhìn Tạ Lam Sơn rồi hờ hững nói: “Cảnh sát Tạ còn không đi cứu người à?”
Việc đó không đến lượt Tạ Lam Sơn lo, Đào Long Dược đã ngay lập tức tìm được địa chỉ chính xác dựa trên bức tranh, sốt sắng muốn đi cứu người.
Việc giải cứu diễn ra rất nhanh cũng nhờ phong cảnh trong bức vẽ đó, chính là một nhà cổ từ thời Ngũ đại Thập Quốc*, vì kiến trúc đặc biệt nên đã được xác định ngay lập tức. Sau đó, hắn phối hợp với cảnh sát tỉnh để kiểm tra thật cẩn thận, không bao lâu sau đã cứu được Đường Triệu Trung bị giam giữ ra ngoài. Vụ án đến đây mới có thể coi như đã hoàn toàn kết thúc, Đào Long Dược nói hắn rất may, khi bọn họ xông vào kho hàng nơi Đường Triệu Trung bị giam giữ thì phát hiện ông cụ đã không được ăn uống trong nhiều ngày, trễ thêm chút thôi thì có lẽ đã chết rồi.
*Ngũ đại Thập quốc (907-979) là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi triều Đường diệt vong, kéo dài đến khi triều Tống thống nhất Trung Quốc bản thổ. Thời kỳ này phân thành Ngũ đại (907-960) cùng Thập quốc (907-979).
Ông cụ được cứu ra gầy rộc chỉ còn da bọc xương, tinh thần cũng suy sụp cực độ, không thể thẩm vấn chi tiết vụ án trong tình cảnh này, đội trưởng Đào đành tìm một bệnh viện ở địa phương trước, chờ bệnh tình ông cụ ổn định thì sẽ đưa người về thành phố Hán Hải.
Chờ ông nghỉ ngơi điều dưỡng thêm mấy ngày, sau đó đội trưởng Đào mới đi cùng Tạ Lam Sơn tới hỏi tình hình, vừa vào thì thấy Thẩm Lưu Phi đã ở đó.
Dù vụ án còn rất nhiều điểm chưa rõ ràng, cục thành phố không công bố chi tiết của vụ án với công chúng nhưng thông tin vẫn rò rỉ ra ngoài, đặc biệt là phòng tranh Hạc Mỹ và bảo tàng thành phố có liên quan tới vụ án này đều cử người trong giới nghệ thuật đến, phòng bệnh cực kỳ náo nhiệt.
Đường Tiểu Mạt bưng trà rót nước, nhiệt tình đãi khách bên giường bệnh của ông nội. Lúc mới thấy ông cô đã khóc mấy lần, khóc đến độ dư âm còn văng vẳng bên tai, khóc đến mức thống thiết thê thảm. Bây giờ cô nàng đã đỡ hơn, ngoài đôi mắt còn hơi sưng thì trên gương mặt chỉ còn lại sự vui mừng khi gặp lại người thân.
Những người này để tóc dài, ăn mặc lạ thường, thoạt nhìn đã nhận ra là nghệ sĩ, bọn họ biết cảnh sát tới phá án nên thức thời rời đi.
Sức khỏe của Đường Triệu Trung hồi phục lại khá tốt, giờ trông đã quắc thước khỏe mạnh, tiếc là thị lực của ông đã giảm sút nghiêm trọng sau một thời gian dài vẽ tranh trong điều kiện tối tăm và khó khăn như vậy, mắt đã gần như bị mù.
Nghe Đường Triệu Trung hồi tưởng lại, sáu năm qua ông đã bị đưa đi qua nhiều tỉnh thành, cuối cùng mới trở về nơi gần nhà mình nhất, có lẽ đối phương đã nếm trải được ngon ngọt từ bức “Lạc Thần Phú Đồ” bản nhái này, vốn muốn ông vẽ thêm một bức, nhưng chẳng biết tại sao lại đột nhiên không xuất hiện nữa.
Đào Long Dược làm việc theo quy tắc, vẫn phải hỏi chuyện liên quan tới vụ án, hắn hỏi Đường Triệu Trung có biết Tần Kha hay không?
Đường Triệu Trung thở dài: “Sau vụ hỏa hoạn ở phòng trưng bày nghệ thuật của Học viện mỹ thuật tỉnh, đứa bé trai ấy từng tới tìm tôi, cảm xúc rất kích động, cậu bé bất bình thay cho mẹ mình, nhưng tôi không ngờ cậu bé ấy lại có thể cực đoan đến mức gây ra chuyện như thế.”
Đào Long Dược lại hỏi, ông có biết Trương Văn Lễ không?
Câu trả lời rất gần với những gì cảnh sát suy đoán, Đường Triệu Trung thích vẽ tranh, Trương Văn Lễ bèn nói dối rằng ông có thể chép tranh và thư pháp của các bậc thầy nổi tiếng, sau đó thay thế tranh thật trong phòng trưng bày nghệ thuật bằng tranh nhái của ông. Ông hoàn toàn không hề hay biết, cho đến khi phòng trưng bày nghệ thuật bị cháy thì mới nhận ra có lẽ mình đã bị lợi dụng.
Đào Long Dược lại hỏi, ông có biết Lý Quốc Xương không?
“Tôi chỉ nghe nói thôi.” Đường Triệu Trung lắc đầu, vừa thở dài vừa ho khan, “Tiếc cho một người vô tội liên lụy vào vụ án này, tự nhiên mất mạng một cách vô nghĩa.”
Thẩm Lưu Phi hỏi tỉ mỉ hơn Đào Long Dược: “Lão Đường, ông có còn nhớ dáng vẻ của bọn bắt cóc không?”
Ông cụ hoàn toàn không biết gì về bọn bắt cóc mình, chỉ nói là một nam một nữ.
Thẩm Lưu Phi lại hỏi, không chỉ từ góc độ nghề nghiệp mô phỏng chân dung mà còn là sự trao đổi chuyên môn giữa họa sĩ và họa sĩ, y muốn biết đặc điểm ngoại hình chính xác của cặp đôi này.
Ông cụ hồi tưởng một chút nhưng vẫn không thể nói rõ.
Có lẽ không muốn nhớ lại những trải nghiệm đau đớn kia, Tạ Lam Sơn thử an ủi ông lão: “Lão Đường, thầy Thẩm đây cũng là họa sĩ như ông, anh ấy có thể giúp ông bắt được hai kẻ bắt cóc kia đó.”
“Người phụ nữ có sống mũi cao, quai hàm hơi vuông, có một nốt ruồi giữa hai lông mày, người đàn ông có tướng mạo thật thà chất phác, đeo kính cận, dáng người không cao, hơi béo.” Ông lão thở dài liên tục, “Tôi chỉ nhớ có thế, không nhớ ra được thêm gì nữa.”
Đường Tiểu Mạt lo lắng nói với Thẩm Lưu Phi: “Thầy Thẩm này, ông nội tôi còn chưa khỏe hẳn mà, anh có thể mắc bệnh nghề nghiệp vào một ngày khác không?”
Thẩm Lưu Phi khẽ gật đầu, y cũng thấy không nên quấy rầy ông cụ nghỉ ngơi nên đã chủ động rời đi.
Tạ Lam Sơn đuổi theo y.
Bên ngoài phòng bệnh, Thẩm Lưu Phi nói với Tạ Lam Sơn: “Trong số mấy người vừa ra ngoài lúc nãy, có một người môi giới tranh muốn tổ chức một buổi triển lãm tranh cho lão Đường.”
Tạ Lam Sơn mừng rỡ: “Nhanh vậy sao?”
Ngẫm lại cũng đúng, vùng văn hóa* chẳng khác chợ bán đồ ăn là mấy, có câu “Công phu của thơ là ở ngoài thơ**”, giá tranh cao bao nhiêu không nằm ở trình độ mà phải xem cách lăng-xê, một cảnh sát có thể tráo giả thành thật lừa dối chuyên gia, còn liên quan tới hai vụ án lớn, nghe thôi đã thấy quá trời quá đất. Vậy nên cảnh sát còn chưa công bố vụ án trước công chúng thì những người nghe được vài tin phong thanh thất thiệt từ sớm đã vội vàng lao tới đào mỏ vàng.
*Vùng văn hóa là một địa vực gắn bởi một hình thức văn hóa nhất định. Hình thức văn hóa nhất định có ảnh hưởng chủ yếu trong lĩnh vực, và lịch sử được phát triển bởi các hình thức văn hóa.
**Đây là một dòng trong bài thơ của Lục Du (một nhà thơ lớn thời nhà Tống), khi ông dạy một trong những người con trai của mình kinh nghiệm làm thơ. Ở ngoài thơ nói về vai trò vốn sống khả năng hiểu biết cuộc đời, sự từng trải là nhân sinh của người cầm bút. Lục Du muốn khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở đời sống chứ không phải ở ngôn từ.
“Sức khỏe của lão Đường còn chưa khôi phục, mắt cũng gần như không thấy được nữa, Đường Tiểu Mạt mời tôi tới nhà cô nàng vào thứ Bảy để giúp chọn một số tác phẩm của lão Đường.” Thẩm Lưu Phi hỏi Tạ Lam Sơn, “Đi cùng nhé?”
Tạ Lam Sơn vừa định đồng ý thì lại nhớ ra: “Đợt trước tôi đã hứa với Tống Kỳ Liên rồi, chờ vụ án đi tới giai đoạn tuyên bố thì sẽ đi cùng con trai cô ấy tới công viên trò chơi.”
Tạ Lam Sơn nói xong câu này thì mới thấy sai sai, mà cụ thể sai sai ở đâu thì lại không nói ra được.
“Hai người…” Thẩm Lưu Phi nở một nụ cười nhạt thếch rồi nói, “rất tốt.”
“Thực ra vụ án này vẫn chưa kết thúc, chúng tôi phát hiện Tần Kha còn một chiếc điện thoại khi lục tìm bằng chứng, cậu ta thường xuyên liên lạc với một dãy số lạ trong vài ngày trước và sau khi Lý Quốc Xương bị giết, nhưng cảnh sát chúng tôi đã gọi điện thì lại không có ai bắt máy. Cậu ta là một du học sinh mới về nước, chuyện này rất bất thường.” Tạ Lam Sơn bắt đầu chắp nối các chi tiết vụ án, anh phân tích, “Kẻ giết người là Tần Kha, kẻ trộm tranh là Trương Văn Lễ, vậy kẻ bắt cóc Đường Triệu Trung, diệt khẩu mấy tên bảo vệ, và kẻ xả súng vào chúng ta ở bên ngoài phòng tranh hôm đó là ai? Có phải cùng một nhóm người, ví dụ như chị T, con buôn văn vật bị động chạm đến lợi ích? Hay là…”
“Hay là,” Thẩm Lưu Phi nhìn Tạ Lam Sơn, “trong đó có người tới vì cậu.”
Tạ Lam Sơn không bình luận gì, mãi cho đến khi Thẩm Lưu Phi rời đi, anh vẫn đang chìm trong cảm giác tồi tệ, giống hệt như hôm ở quán bar kickboxing kia, là cảm giác rùng mình ớn lạnh của một con ếch khi bị con rắn nhìn lom lom.