- Trang chủ
- Thanh Bình Nhạc (Đam Mỹ)
- Chương 8: Vật bị mất
Tác giả: Thường Tam Tư
Hắn nói hoa mai nở, sau khi bước vào nhà lao này, Tri Tân dường như ngửi thấy một mùi mai nhàn nhạt thật.
Như có như không, khi ngửi lại thì chẳng còn nữa, vậy nên đến tận khi ngồi xuống, tâm trí Tri Tân vẫn đặt trên hương hoa mai kia, chỉ trong nhất niệm đã ngộ đạo thiền.
Vạn cảnh bản nhàn, duy nhân tự náo[1].
(Vạn vật vốn yên tĩnh, chỉ có lòng người là náo động.)
Trong ngục không có trà, Lý Ý Lan thấy có hơi thất lễ song không biểu hiện ra, hắn vào thẳng đề tài chính: “Do yêu cầu của vụ án, ta có mấy vấn đề muốn thỉnh giáo đại sư.”
Tri Tân: “Mời nói.”
Lý Ý Lan khách khí nói: “Không biết nhờ loại nhân duyên nào, khiến ta có may mắn được gặp gỡ đại sư ở nơi này?”
Đáp án thực sự của câu hỏi này liên quan đến nội vụ của Từ Bi tự, Tri Tân không muốn lừa dối hắn, song cũng không muốn nói cho hắn biết sự thật, đành úp mở: “Từ Bi tự bị mất một thứ, đối với thế gian thì không có tác dụng gì lớn, nhưng với chùa ta thì nó lại mang ý nghĩa phi phàm, phương trượng ủy thác ta xuống núi đi tìm, mục đích chuyến này của ta chính là hướng đến Chiêu Đàn tự.”
Chiêu Đàn tự là một ngôi chùa cổ ở phía Bắc ngoại thành Nhiêu Lâm, tiếng tăm có lẽ không sánh được với Từ Bi tự, nhưng tín đồ ở địa phương cũng không ít, mùng chín tháng này có pháp hội, Tri Tân đến chính là vì thế, tuy nhiên Lý Ý Lan mới tới nên không biết về pháp hội này.
Người khác đã báo cáo thẳng thắn, song lại không nói chi tiết, người thức thời như Lý Ý Lan đương nhiên biết không nên tiếp tục truy hỏi.
Phật môn mặc dù là nơi thanh tịnh, song lấy cái vô tư tạo thành cái tư, là thánh địa bảo tàng mà ai ai cũng biết, xưa nay việc bảo vật mất trộm chẳng phải số ít, Lý Ý Lan gật đầu tỏ ý đã hiểu, thuận miệng đặt câu hỏi: “Mùng một tháng trước, tiết hàn y, đại sư xuất hiện ở nghĩa địa, có phải là đi tế bái một vị cố nhân không?”
(Lấy cái vô tư tạo thành cái tư: lấy ý từ Đạo Đức Kinh, nghĩa là lấy chính cái vô tư (không riêng, không cầu lợi, không suy tính) để tạo thành cái tư (cái nét riêng, nét khác biệt).)
Tri Tân bình tĩnh nói: “Không phải, ta cũng không có cố nhân ở đây. Hôm ấy, ta đang điều tra dưới một cây đa bên cạnh cầu Lô Tô ở phố Đông, ban đêm nhìn thấy có người chạy tới từ phố Đông, nói là ở nghĩa địa có quỷ quái nên liền qua đó xem.”
Lý Ý Lan thầm ghi nhớ những từ mấu chốt này, tiếp tục hỏi: “Đại sư còn nhớ khi ấy tình hình nơi đó ra sao không?”
Con ngươi Tri Tân khẽ chuyển động, dường như đang hồi tưởng lại: “Rất loạn. Khi ta đến, mọi người đang vây quanh mộ phần kia, ta vào trong thì thấy bộ xương nữ đó gục ở trước bia mộ, cũng không có bất cứ động tĩnh gì cả. Có một người phụ nữ ở cạnh đó khóc nỉ non, nghe từ lời bà ấy nói thì hình như là mẫu thân của bộ xương kia.”
Cách phác họa thấu thị từ điểm vụn vặt cần phải chi tiết cụ thể hết mức có thể, Lý Ý Lan vừa hỏi vừa nhắc nhở mình chú ý giọng điệu, đừng nhập diễn quá sâu, xem người ta là nghi phạm.
Lý Ý Lan: “Xin đại sư ngẫm lại giúp ta, ngài còn nhớ tư thế của bộ xương lúc đó chứ?”
Tri Tân: “……Xin lỗi, ta không nhớ rõ lắm.”
Lý Ý Lan: “Không sao, trên bộ xương có gì dị thường không, như ánh sáng hay vật lạ chẳng hạn?”
Tri Tân: “Có lẽ có, ta không để ý.”
Lý Ý Lan: “Lúc đó, người phụ nữ kia ở bên trái hay bên phải bộ xương?”
Tri Tân: “Bên phải.”
Lý Ý Lan: “Bà ấy có tới gần chạm vào bộ xương không?”
Tri Tân: “Từ lúc ta đến thì không thấy bà ấy chạm qua, bà ấy….. rất muốn lại gần, nhưng cũng rất sợ.”
Lý Ý Lan: “Vậy những người khác thì sao?”
Tri Tân: “Có vị thí chủ tiến lên đọc chữ trên bộ xương, hai nha dịch của quan phủ đặt nó nằm ngang, ngỗ tác khám nghiệm xương, ngoài bọn họ ra, lúc ấy người ở gần…..”
Y suy nghĩ một chốc, ánh mắt nhìn thẳng: “Hình như chỉ có mình ta thôi.”
Lý Ý Lan cũng không ngạc nhiên, chi tiết này lúc trước Giang Thu Bình có nghe nói, đã báo lại với hắn là có một hòa thượng niệm vãng sinh chú cho bạch cốt, xem ra đúng thật là đại sư.
Hắn hỏi thêm vài chi tiết nhỏ, như là vị trí Tri Tân đọc kinh, người bên trái phải là ai, tướng mạo ra sao, vân vân.
Khi hỏi càng nhiều hơn thì Lý Ý Lan không nhớ được, hắn cũng không cố ra vẻ thông tuệ hơn người, lập tức gọi ngục tốt mang bút mực vào, để trên bàn vừa viết vừa nói.
Trong lúc hắn viết, Tri Tân ngồi chờ ở phía đối diện chẳng có gì làm, chỉ có thể xem chữ của hắn.
Chữ viết của Lý Ý Lan rất đẹp, hạ bút mạnh mẽ, nét chữ cứng cáp, nối liền như nước chảy mây trôi, hoàn toàn chẳng hợp với sự ổn trọng mà hắn biểu hiện ra, thường có câu chữ cũng như người, Tri Tân nghĩ thầm, dưới lớp vỏ ngoài của người này, ắt hẳn cũng có mấy phần hăng hái nhiệt huyết.
Nhân sinh bát khổ[2] dường như chẳng thể lưu dấu trên người y, Tri Tân khí chất ôn hòa, nói chuyện như gột gió xuân, một canh giờ lặng lẽ trôi qua, Lý Ý Lan không để ý mình đã nói bao nhiêu câu, đã ho bao nhiêu lần, nhưng Ký Thanh thì có, cho nên cậu nhanh chóng vào cửa kéo người ra ngoài.
Sương canh ba là lạnh nhất, vị đề hình quan đau ốm phải đi sưởi chậu than.
Về phần đám người Giang Thu Bình, bấy giờ đang hăng hái thẩm tra, Ký Thanh gọi cũng không nghe, cậu ta chẳng quan tâm đám người khỏe như trâu này nữa, chỉ lo kéo Lục ca của mình đi nghỉ ngơi.
Lý Ý Lan tiễn Tri Tân về nhà lao, bảo với y: “Đại sư, nếu thuận lợi thì ngày mai ngươi có thể rời đi rồi.”
Tri Tân khẽ gật đầu, quay người đi về phía nhà lao, chẳng ai để ý thấy bước chân y khựng lại một thoáng.
Phật y văn lý chẳng phân riêng, y cũng xem như là nửa thầy thuốc, kỳ thực có nghĩa vụ phải nhắc nhở Lý Ý Lan tránh làm việc quá sức, nhưng khi rũ mắt trông thấy hai bóng dáng ở đằng sau thì lại không nói gì cả.
Cậu tùy tùng tên Ký Thanh kia hoạt bát như vậy, ắt hẳn đã nhắc nhở chẳng ít lần, mà kết quả vẫn thế đấy thôi, Lý Ý Lan không để ý đến sức khỏe của mình, nguyên nhân là do đâu, Tri Tân cũng không muốn tìm hiểu sâu.
Ánh trăng như lụa sa, hoa mai nơi góc tường nở mấy đóa.
Mùng bốn tháng mười hai, vừa qua giờ Thìn, kho lương thực nha môn.
Bên trong chỉ có Ngô Kim, Lý Ý Lan nhấc chân bước vào: “Thu Bình với Trương Triều đâu rồi?”
Trong miệng Ngô Kim nhét một cái bánh bao thịt, to ụ chẳng mở nổi miệng, Ký Thanh đứng sau lưng hắn ngáp liên hồi: “Giang Thu Bình đến nhà lao rồi, Trương Triều thì chắc ra nghĩa trang vẽ tranh, lúc nãy khi đi múc nước cho huynh rửa mặt, ta có gọi bọn họ nhưng trong phòng không có ai.”
Lý Ý Lan ngồi vào bàn cơm lấy đũa, trong lòng nghĩ nếu có đường tắt thăng tiến, những người này đều sẽ là nhân tài trụ cột.
Cơm sáng mới dùng được một nửa thì Tạ Tài đã mang đủ họa sĩ tới, mười người chia làm hai hàng đứng trong đại sảnh, thần thái đều có vẻ hơi lo lắng bất an.
Lý Ý Lan nói rõ dụng ý, rồi lại để cho tên nhóc Ký Thanh không đứng đắn ra vài đề bài để kiểm tra bản lĩnh, sau hơn một canh giờ thì giữ lại bốn người, còn đâu cho về nhà.
Ngô Kim bưng bữa sáng tới nhà lao, bảo Giang Thu Bình thức khuya dậy sớm đến ăn cơm, Lý Ý Lan ở trong đại sảnh chọn lựa xong rồi cũng mang người tới đây, sau chừng một nén nhang, Trương Triều mới mồ hôi nhễ nhại trở về.
Giang Thu Bình nhét hai cái bánh nướng xuống dưới chồng đơn kiện, chờ Trương Triều ngồi xuống chỗ rồi liền đẩy bánh với bát trà sang.
Nguyên cả ngày hôm nay đều dùng để thấm vấn, người được tra hỏi đi tới đi lui, lần lượt được gọi vào những hình thất khác nhau. (Hình thất: phòng thi hình, là cái phòng để thi hành hình phạt ấy.)
Ký Thanh thấy nhân thủ đông đủ, liền ở lại bên cạnh Lý Ý Lan bưng trà rót nước, mấy người Lý, Giang, Ngô cộng thêm cả Tạ Tài và Vu sư gia đảm nhận chức vụ quan thẩm tra, Trương Triều và bốn họa sĩ phụ trách phác họa định vị, căn cứ theo lời khai của mỗi người mà vẽ ra một tấm, rồi lại đối chiếu với bản vẽ ở nghĩa địa của Trương Triều.
Bận bịu đến tận đầu giờ Dậu mới hỏi xong hơn hai trăm bách tính trong ngục, Lý Ý Lan bèn dặn Tạ Tài đi thông báo cho mọi người.
Tạ quận trưởng cất giọng oang oang với người trong ngục rằng, giờ mọi người có thể bình yên về nhà, đây đều là nhờ phúc của Lý đại nhân, phải cảm tạ ân tình phụ mẫu của Lý đại nhân, vân vân mây mây… còn nói trước khi phá được án vẫn phải phối hợp điều tra, gọi là phải đến, đồng thời không được rời khỏi Nhiêu Lâm.
Trong ngục lập tức vang lên tiếng hoan hô, Lý Ý Lan đưa mắt nhìn quanh, nhìn mãi vẫn chẳng thấy đại sư đâu, liền đoán rằng y ắt hẳn còn đang ngồi bất động như núi trên mặt đất.
Trong ngục cần thả người, bọn họ không tiện chắn cửa, liền dời hết về sảnh chính, phòng giam lần lượt được mở ra, dân chúng tức tốc ùa ra, vội vàng mừng rỡ rời đi, dường như quên mất mình vừa bị tai bay vạ gió.
Đây đều là những thứ dân vô năng, cũng là những người khoan dung nhất, dễ quên thù hận nhất trên đời này.
Từ Bi tự ở cách xa ngàn dặm, Tri Tân tạm thời chẳng có nhà để về, vẫn luôn chờ đợi đến khi hoàn toàn yên lặng.
Thời điểm y đi ra khỏi ngục, chân trời đã nhuốm nắng chiều, cảnh vật trong ngục chỉ một màu cơ khổ, càng làm nổi bật hoàng hôn rực rỡ chẳng gì sánh nổi, thứ sức sống mạnh mẽ nóng cháy ấy khiến Tri Tân ngơ ngẩn nhìn hồi lâu, mãi đến khi có người gọi mới hoàn hồn lại.
“Đại sư?”
Nha dịch ở cửa báo rằng có người tặng đồ cho hắn, nhưng không thấy ghi họ tên lai lịch nên không trực tiếp mang vào.
Ký Thanh bảo người mang đến công đường, lại bị Lý Ý Lan ngăn lại, nghiệt duyên trong cổ họng hắn sắp sửa trào ra, cần phải ra ngoài hóng mát một chút, hắn định tự mình ra lấy món đồ của vị nhân sĩ không ký tên kia, không ngờ lại gặp Tri Tân.
Năm lần bảy lượt chạm mặt đại sư, chẳng phải hữu duyên thì là gì?
Trong lòng Lý Ý Lan bỗng dâng lên một nỗi vui sướng nhàn nhạt, chờ một lát không thấy Tri Tân có động tĩnh gì, đành lên tiếng cắt ngang trạng thái thiền đứng của đại sư.
Tri Tân nghiêng đầu, cũng không hiểu vì sao Lý Ý Lan lại một mình xuất hiện ở đây, liền hòa nhã hỏi: “Thí chủ có việc gì sao?”
Lý Ý Lan mỉm cười chỉ vào phòng thuế dịch đối diện cửa nhà lao: “Không có, ta đến lấy đồ thôi, sao giờ đại sư mới đi?”
Tri Tân hóm hỉnh nói: “Niệm kinh mấy lần nên không để ý, nếu không có chuyện gì, vậy bần tăng xin phép đi trước.”
Câu “Tạm biệt” của Lý Ý Lan chực thoát ra khỏi miệng, bỗng ma xui quỷ khiến thế nào lại đổi ý, hắn bảo: “Để ta tiễn ngươi.”
Giao tình của hắn và Tri Tân vẫn hạn chế ở hai lần đối thoại trong ngục, bèo nước gặp nhau chẳng có lý do gì để người ta đưa tiễn, y bèn uyển chuyển từ chối: “Ý tốt của đại nhân, bần tăng xin ghi nhận, nhưng ngài công việc bề bộn, hãy dừng bước ở đây thôi.”
Nói rồi y liền gật đầu chào, chắp tay trước ngực thi lễ, rồi xoay người rời đi.
Cà sa vân nghê quý báu khôn cùng, nhìn gần sạch sẽ vô ngần, hoa văn vàng kim ngang dọc nối liền chẳng nhìn ra châu quang bảo khí, lại vẫn nổi lên tựa như một lớp lụa trắng trong nắng chiều đỏ rực, gió nhẹ thổi qua, phiêu dật như mây, nói đến cũng lạ, y rõ ràng đang đi về phía hồng trần, nhưng trong mắt Lý Ý Lan lại chỉ nhìn thấy một mình y.
Tri Tân chẳng mấy chốc đã biến mất trong dòng người, ánh mắt Lý Ý lan mất đi điểm nhìn, đành phải trở về nha môn, hắn đi vào phòng thuế dịch, chủ bạc trình lên một chiếc hòm gỗ đỏ thẫm, nó dài khoảng một thước, rộng bằng bàn tay, bên trên tuy không ghi tên, song lại có dán một tờ giấy niêm phong, trên đó viết mấy chữ tiểu giai ngay ngắn. (Chủ bạc: chức quan quản lý văn thư ở quận huyện. Tiểu giai là kiểu chữ Khải nhỏ.)
Thân gửi đề hình quan.
Lý Ý Lan giơ ngón tay gõ gõ đỉnh hòm, bên trong vang lên tiếng ông ông, chứng tỏ bên trong ắt hẳn trống không, tiếp đó hắn bóc tờ giấy niêm phong ra, chủ bạc ở bên cạnh nhắc nhở: “Đại nhân, cẩn thận có bẫy, để tiểu nhân mở cho ạ.”
Hắn là cao thủ xử lý quà biếu, cái hòm này lại không rõ lai lịch, Lý Ý Lan nghe vậy liền chuyển hòm cho hắn, chủ bạc nhận lấy, đeo bao tay và khăn che mặt lên, rồi cầm lấy một ít công cụ nhỏ, cẩn thận mở hòm ra, đúng như Lý Ý Lan dự liệu, bên trong không có bất cứ thứ gì, chỉ có một con dao găm ngư văn đuôi tròn, hình dạng cổ xưa. (Ngư văn là hoa văn hình cá, một loại hoa văn truyền thống của Trung Quốc.)
Lý Ý Lan vừa trông thấy món đoản binh này, vết thương cũ ở ngực đột nhiên xuất hiện một loại ảo giác lạnh như băng.
Thời điểm nhà nhà lên đèn, Tri Tân tìm đến một người thợ cạo đầu.
Vị sư phụ nọ đang dùng cơm, y liền chờ ở bên cạnh, đợi khoảng một nén nhang, cuối cùng cũng tìm lại lục căn thanh tịnh một lần nữa.
Đỉnh đầu vừa mới cạo tóc có hơi lành lạnh, cảm giác vừa xa lạ vừa kỳ quái, y thể nghiệm sự dị thường trên đỉnh đầu suốt cả đoạn đường, chần chừ bước lên con đường đêm thăm thẳm dẫn đến phía Bắc ngoại thành.
Đến khi những tia nắng sớm đầu tiên xuyên qua núi rừng, cây lặng chim ngủ, Tri Tân đứng trước cổng Chiêu Đàn tự, vừa vặn dùng gò má đón nhận ánh sáng ấy.
******
★Chú thích:
[1]Vạn cảnh bản nhàn, duy nhân tự náo: hai câu này thuộc bài thơ thiền “Vạn cảnh bản nhàn, duy nhân tự náo, tâm nhược bất sinh, cảnh tự như như.”
Nghĩa là vạn vật trong thế gian vốn tồn tại một cách tự nhiên, duy trì hình thái nguyên thủy nhất, không có tranh chấp. Chỉ lòng người là nhiều dục cầu, nhiều tham niệm. Nếu giữ lòng mình trong sạch, không sinh tạp niệm thì sẽ thấy vạn sự vạn vật đều bình thường như nhau.
[2]Bát khổ: là tám nỗi khổ mà con người ai ai cũng phải chịu, đó là:
1. Sinh khổ: Con người khổ trong sự sinh sống. Người ta khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ cũng phải khổ. Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, cũng là khổ.
2. Lão khổ: Khi đến tuổi già thì thân thể trở nên già nua, mắt mờ, tai điếc. Đó là khổ.
3. Bệnh khổ: Con người phải chịu đau đớn, khổ sở cả về thể xác và tinh thần khi mắc bệnh. Đó là khổ.
4. Tử khổ: Khi sắp chết thì sợ hãi tinh thần, ngạt hơi rất khổ. Chết đi rồi thì thân xác phân hủy, hôi tanh. Gia quyến đau lòng. Đó là khổ.
5. Ái biệt ly khổ: Con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải chia lìa điều mình yêu, hàng ngày đem lòng mong nhớ. Đó là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia lìa nhau khi chết).
6. Cầu bất đắc khổ: Con người khổ khi không được toại (bất đắc) nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân (sở cầu). Chẳng hạn, lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc; lúc no lại muốn giàu sang phú quý.
7. Oán tăng hội khổ: Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mà không thích hoặc oán ghét.
8. Ngũ uẩn khổ: Con người khổ vì có sự hội tụ và xung đột của Ngũ uẩn – sắc, thụ, tưởng, hành và thức – trong cơ thể. Chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết (thức) nhiều thì cũng khổ.